Xử lý vi phạm trễ hạn hợp đồng thi công xây dựng

Trình tự xử lý vi phạm trễ hạn hợp đồng thi công xây dựng do lỗi của Bên nhận thầu

Đối với các hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng 2014, Nghị định 37/2015/NĐ-CP, Thông tư 09/2016/TT-BXD, xử lý vi phạm trễ hạn hợp đồng cơ bản gồm 04 bước như sau:

  • BƯỚC 1:Bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi cần thiết. Khi tạm từng, Bên giao thầu ra “Thông báo tạm dừng thực hiện Hợp đồng” cho Bên nhận thầu trước 28 ngày (trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác) trong đó phải nêu rõ lý do tạm dừng thực hiện.
  • BƯỚC 2:Bên giao thầu và Bên nhận thầu cùng thương lượng giải quyết để tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết.
  • BƯỚC 3:Chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định vì trường hợp điều chỉnh tiến độ làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng.
  • BƯỚC 4:Bên giao thầu, Bên nhận thầu ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh tiến độ. Bên giao thầu cần lưu ý yêu cầu Bên nhận thầu phải nộp gia hạn bảo đảm thực hiện hợp đồng tương ứng theo tiến độ hợp đồng điều chỉnh.

Cụ thể chi tiết được trình bày dưới đây:

BƯỚC 1: Bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi cần thiết. Khi tạm từng, Bên giao thầu ra “Thông báo tạm dừng thực hiện Hợp đồng” cho Bên nhận thầu trước 28 ngày (trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác) trong đó phải nêu rõ lý do tạm dừng thực hiện.
Các căn cứ pháp lý:

  1. Điều 40, Nghị định 37/2015/NĐ-CP;
  2. Điều khoản “Tạm ngừng và chấm dứt Hợp đồng bởi Bên giao thầu” trong hợp đồng (Điều 17, mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình ban hành theo Thông tư 09/2016/TT-BXD).

—————
Căn cứ 1: Điều 40, Nghị định 37/2015/NĐ-CP:
Điều 40. Tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng xây dựng
1. Các tình huống được tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng, quyền được tạm dừng; trình tự thủ tục tạm dừng, mức đền bù thiệt hại do tạm dừng phải được bên giao thầu và bên nhận thầu thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng.
2. Các bên tham gia hợp đồng được tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng trong các trường hợp sau:
a) Bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo hợp đồng đã ký kết.
b) Bên nhận thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng và kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán, cụ thể như: Không thanh toán đủ cho bên nhận thầu giá trị của giai đoạn thanh toán mà các bên đã thống nhất vượt quá 28 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán theo quy định tại Khoản 10 Điều 19 Nghị định này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; không có bảo đảm thanh toán cho các khối lượng sắp được thực hiện.
3. Trước khi một bên tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng, thì phải thông báo cho bên kia biết bằng văn bản trước 28 ngày, trong đó nêu rõ lý do tạm dừng thực hiện; bên giao thầu, bên nhận thầu phải có trách nhiệm cùng thương lượng giải quyết để tiếp tục thực hiện đúng thỏa thuận hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp bất khả kháng.
Trường hợp, bên tạm dừng thực hiện hợp đồng không thông báo hoặc lý do tạm dừng không phù hợp với quy định của hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho phía bên kia.”

 Căn cứ 2: Điều khoản “Tạm ngừng và chấm dứt Hợp đồng bởi Bên giao thầu” trong hợp đồng (Điều 17, mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình ban hành theo Thông tư 09/2016/TT-BXD).
Điều 17. Tạm ngừng và chấm dứt Hợp đồng bởi Bên giao thầu
17.1. Tạm ngừng thực hiện công việc của Hợp đồng bởi Bên giao thầu Nếu Bên nhận thầu không thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng, Bên giao thầu có thể ra thông báo yêu cầu Bên nhận thầu phải thực hiện và sửa chữa các sai hỏng trong Khoảng thời gian hợp lý cụ thể.
Bên giao thầu quyết định ngừng thực hiện công việc trong Hợp đồng khi Bên nhận thầu không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo Hợp đồng đã ký kết.
Trước khi tạm dừng, Bên giao thầu sẽ thông báo bằng văn bản cho Bên nhận thầu không ít hơn … ngày và trong thông báo sẽ nêu rõ lý do tạm ngừng.”

BƯỚC 2: Bên giao thầu và Bên nhận thầu cùng thương lượng giải quyết để tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết . Nội dung lương thượng gồm:
– Mức phạt vi phạm hợp đồng (được các bên thỏa thuận trong hợp đồng);
– Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại nếu có (đây là trách nhiệm do vi phạm hợp đồng xây dựng);
– Điều chỉnh tiến độ thực hiện;
– Khắc phục tiến độ chậm trễ.
Các căn cứ pháp lý:

  1. Khoản 3, Điều 40, Nghị định 37/2015/NĐ-CP (nêu trên);
  2. Khoản 1, 2, và 3 của Điều 146, Luật Xây dựng 2014;
  3. Điều khoản “Thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng” trong hợp đồng (Điều 21, mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình ban hành theo Thông tư 09/2016/TT-BXD);
  4. Điều khoản “Thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng” trong hợp đồng (Điều 7, mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình ban hành theo Thông tư 09/2016/TT-BXD).

—————
Căn cứ 1: Khoản 3, Điều 40, Nghị định 37/2015/NĐ-CP:
“bên giao thầu, bên nhận thầu phải có trách nhiệm cùng thương lượng giải quyết để tiếp tục thực hiện đúng thỏa thuận hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp bất khả kháng.”
Căn cứ 2: Khoản 1, 2, và 3 của Điều 146, Luật Xây dựng 2014:
Điều 146. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng
“1. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
2. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.
3. Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong các trường hợp sau:
a) Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;
b) Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.
 

Căn cứ 3: Điều khoản “Thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng” trong hợp đồng (Điều 21, mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình ban hành theo Thông tư 09/2016/TT-BXD)
“21.2. Phạt vi phạm hợp đồng
Đối với Bên nhận thầu: nếu chậm tiến độ … ngày thì phạt… % giá hợp đồng cho … ngày chậm nhưng tổng số tiền phạt không quá … % giá trị hợp đồng bị vi phạm.”

 Căn cứ 4: Điều khoản “Thời gian và tiến độ thực hiện hợp đồng” trong hợp đồng (Điều 7, mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình ban hành theo Thông tư 09/2016/TT-BXD).
“Khi tiến độ đã bị chậm hơn so với tiến độ thi công như các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng của công việc đó mà không phải do những nguyên nhân đã nêu trong Khoản 7.3 [Gia hạn thời gian hoàn thành], khi đó Bên giao thầu yêu cầu Bên nhận thầu trình một bản tiến độ thi công được sửa đổi để thực hiện tiến độ hoàn thành, trong thời gian yêu cầu.”

BƯỚC 3: Chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định vì trường hợp điều chỉnh tiến độ làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng.
—————
Căn cứ: Khoản 1 và 3 của Điều 39, Nghị định 37/2015/NĐ-CP:
Điều 39. Điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng
“1. Trong hợp đồng xây dựng các bên phải thỏa thuận về các trường hợp được điều chỉnh tiến độ. Trường hợp thời hạn hoàn thành chậm hơn so với tiến độ của hợp đồng, các bên phải xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên đối với những thiệt hại do chậm tiến độ gây ra.

3. Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng không làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng (bao gồm cả thời gian được kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng theo quy định của hợp đồng xây dựng) thì chủ đầu tư và nhà thầu thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh tiến độ làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng thì chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định.”

BƯỚC 4: Bên giao thầu, Bên nhận thầu ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh tiến độ. Bên giao thầu cần lưu ý yêu cầu Bên nhận thầu phải nộp gia hạn bảo đảm thực hiện hợp đồng tương ứng theo tiến độ hợp đồng điều chỉnh.
Các căn cứ pháp lý:

  1. Khoản 1 và 2 của Điều 16, Nghị định 37/2015/NĐ-CP;
  2. Điều khoản “Bảo đảm thực hiện và bảo lãnh tạm ứng hợp đồng” trong hợp đồng (Điều 4, mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình ban hành theo Thông tư 09/2016/TT-BXD).

—————
Căn cứ 1: Khoản 1 và 2 của Điều 16, Nghị định 37/2015/NĐ-CP:
Điều 16. Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng
1. Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng là việc bên nhận thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian thực hiện hợp đồng; khuyến khích áp dụng hình thức bảo lãnh.
2. Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp cho bên giao thầu trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực theo đúng thỏa thuận của các bên về giá trị, loại tiền, phương thức bảo đảm; theo mẫu được bên giao thầu chấp nhận và phải có hiệu lực cho đến khi bên nhận thầu đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc sau khi bên giao thầu đã nhận được bảo đảm bảo hành đối với hợp đồng có công việc thi công xây dựng và cung cấp thiết bị. Riêng hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng giao khoán nội bộ, hợp đồng xây dựng thuộc các chương trình mục tiêu do các hộ dân thực hiện và những hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện không bắt buộc bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng.”

 Căn cứ 2: Điều khoản “Bảo đảm thực hiện và bảo lãnh tạm ứng hợp đồng” trong hợp đồng (Điều 4, mẫu hợp đồng thi công xây dựng công trình ban hành theo Thông tư 09/2016/TT-BXD).
“Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải có giá trị và có hiệu lực tới khi Bên nhận thầu đã thi công, hoàn thành công trình, hoặc hạng Mục công trình tương ứng với Hợp đồng đã ký kết được Bên giao thầu nghiệm thu và chuyển sang nghĩa vụ bảo hành công trình. Nếu các Điều Khoản của bảo đảm thực hiện hợp đồng nêu rõ ngày hết hạn và Bên nhận thầu chưa hoàn thành các nghĩa vụ của hợp đồng vào thời Điểm … ngày trước ngày hết hạn, Bên nhận thầu sẽ phải gia hạn giá trị của bảo đảm thực hiện hợp đồng cho tới khi công việc đã được hoàn thành và mọi sai sót đã được sửa chữa xong.”

Như vậy, đối với các hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng 2014, Nghị định 37/2015/NĐ-CP, Thông tư 09/2016/TT-BXD, trình tự xử lý vi phạm trễ hạn hợp đồng cơ bản gồm 04 bước nêu trên. Các tình huống cụ thể, hợp đồng cụ thể, trình tự xử lý vi phạm trễ hạn hợp đồng sẽ được tùy chỉnh cho phù hợp.

Zalo
0868.393.098