Giai đoạn chủ trương đầu tư xây dựng bao gồm các công việc lập, thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và các công việc cần thiết khác liên quan
Trường hợp dự án có sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thì thủ tục lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư như đối với dự án đầu tư công
Trường hợp dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc vốn khác thì các công việc thực hiện như sau:
1) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước thì đơn vị chuẩn bị đầu tư tự tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở bố trí vốn chuẩn bị đầu tư theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 10 khoản 2
2) Sau khi dự toán chuẩn bị đầu tư được duyệt (nếu có), đơn vị chuẩn bị đầu tư tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án do Quốc hội hoặc Thủ tướng quyết định chủ trương, tổ chức lập Đề xuất dự án đầu tư đối với các dự án khác
– Nếu thuộc đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu thì đơn vị chuẩn bị đầu tư lưu ý như sau:
+ Trường hợp lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi:
* Công việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là công việc tư vấn đầu tư xây dựng (theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 31 khoản 1) phải tổ chức lựa chọn nhà thầu theo pháp luật về đấu thầu, do đó phải tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn trước khi lựa chọn đơn vị thực hiện
* Đơn vị chuẩn bị đầu tư tự tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu điều 36 khoản 1 điểm b và đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT điều 8 khoản 1
+ Trường hợp lập Đề xuất dự án đầu tư:
* Công việc lập Đề xuất dự án đầu tư không quy định là công việc tư vấn đầu tư xây dựng do đó đơn vị chuẩn bị đầu tư có thể tự tự thực hiện mà không cần lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
* Nếu thuê tư vấn lập Đề xuất dự án đầu tư thì đơn vị chuẩn bị đầu tư phải tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn trước khi lựa chọn đơn vị thực hiện
– Nếu dự án sử dụng vốn nhà nước thì trước khi lựa chọn đơn vị tư vấn (nếu có), đơn vị chuẩn bị đầu tư phải tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự toán gói thầu tư vấn (theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 16 khoản 1) như sau:
+ Lập dự toán gói thầu theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 17
+ Thẩm định và phê duyệt dự toán gói thầu theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP điều 18:
* Trường hợp lựa chọn tư vấn trong nước thì đơn vị chuẩn bị đầu tư tự tổ chức thẩm định và phê duyệt
* Trường hợp lựa chọn tư vấn nước ngoài thì đơn vị chuẩn bị đầu tư trình cơ quan chủ quản thẩm định và phê duyệt
3) Nhà thầu tư vấn hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư (nếu tự thực hiện) lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Đề xuất dự án đầu tư:
– Trường hợp lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nội dung theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP
– Trường hợp lập Đề xuất dự án đầu tư thì nội dung theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP
4) Sau khi lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Đề xuất dự án đầu tư, đơn vị chuẩn bị đầu tư lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư:
– Đối với dự án quan trọng quốc gia thì thực hiện theo Nghị định 29/2021/NĐ-CP
– Đối với dự án nhóm A trở xuống thì thực hiện theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP
5) Sau khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư như sau:
– Nếu trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ghi hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu giá quyền sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo Thông tư 14/2015/TTLT-BTP-BTNMT và căn cứ kết quả đấu giá để thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư
– Nếu trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ghi hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu thực hiện dự án thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP và căn cứ kết quả đấu thầu để thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư
– Nếu trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ghi tên nhà đầu tư thì quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời là chấp thuận nhà đầu tư
6) Các công việc khác
– Để đảm bảo mục tiêu, quy mô đầu tư là phù hợp với quy hoạch xây dựng, đơn vị chuẩn bị đầu tư cần thực hiện thủ tục xin giới thiệu địa điểm xây dựng theo Luật Xây dựng điều 46 trước khi tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Đề xuất dự án đầu tư
– Đối với dự án do Quốc hội hoặc Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, việc thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư (theo yêu cầu của cơ quan thẩm định)
– Đối với dự án thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì phải thực hiện thủ tục công bố danh mục dự án theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP điều 12
– Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, các hợp đồng tư vấn (nếu có) phải được quản lý theo Nghị định 37/2015/NĐ-CP và Thông tư 08/2016/TT-BXD
– Sau khi được chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (theo Luật Đầu tư điều 37 khoản 1), nhà đầu tư trong nước không bắt buộc phải thực hiện nhưng nếu có nhu cầu thì cũng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư