TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 12705-1:2021
ISO 12944-1:2017
SƠN VÀ VECNI – BẢO VỆ CHỐNG ĂN MÒN KẾT CẤU THÉP BẰNG CÁC HỆ SƠN BẢO VỆ – PHẦN 1: GIỚI THIỆU CHUNG
Paints and varnishes – Corrosion protection of steel structures by protective paint sytems – Part 1: General introduction
Lời nói đầu
TCVN 12705-1:2021 hoàn toàn tương đương ISO 12944-1:2017
TCVN 12705-1:2021 do Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải biên soạn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố
Bộ TCVN 12705 (ISO 12944) Sơn và vecni – Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ gồm các tiêu chuẩn sau:
TCVN 12705-1:2021 (ISO 12944-1:2017) Giới thiệu chung
TCVN 12705-2:2021 (ISO 12944-2:2017) Phân loại môi trường
TCVN 12705-3:2021 (ISO 12944-3:2017) Các lưu ý trong thiết kế
TCVN 12705-4:2021 (ISO 12944-4:2017) Các dạng bề mặt và chuẩn bị bề mặt
TCVN 12705-5:2019 (ISO 12944-5:2018) Các hệ sơn bảo vệ
TCVN 12705-6:2019 (ISO 12944-6:2018) Các phương pháp thử tính năng sử dụng của sơn trong phòng thí nghiệm
TCVN 12705-7:2017 (ISO 12944-7:2021) Thi công và giám sát thi công sơn
TCVN 12705-8:2017 (ISO 12944-8:2021) Xây dựng các quy định kỹ thuật cho công tác sơn mới và bảo trì
TCVN 12705-9:2018 (ISO 12944-9:2021) Các hệ sơn bảo vệ và các phương pháp thử nghiệm tính năng trong phòng thí nghiệm cho các công trình ngoài khơi và các kết cấu liên quan
Lời giới thiệu
Thép trần bị ăn mòn khi tiếp xúc với môi trường khí quyển, nước và đất có thể gây ra sự hư hại. Do đó, để loại bỏ hư hại do ăn mòn, thông thường kết cấu thép được bảo vệ để chống lại những tác động ăn mòn trong suốt thời gian sử dụng theo yêu cầu.
Có nhiều biện pháp để bảo vệ kết cấu thép chống bị ăn mòn. TCVN 12705 (toàn bộ các phần) đề cập đến việc bảo vệ nhờ các hệ sơn phủ và diễn giải trong những phần khác nhau của tiêu chuẩn toàn bộ những đặc trưng quan trọng để đạt được mức độ bảo vệ thỏa đáng. Có thể áp dụng những biện pháp bổ sung khác nhưng đòi hỏi sự thỏa thuận giữa các bên liên quan.
Để đạt được bảo vệ chống ăn mòn kết cấu theo một cách hiệu quả, chủ sở hữu các kết cấu đó, những người xây dựng kế hoạch, các công ty thực thi công việc chống ăn mòn, các thành viên kiểm định lớp sơn phủ và nhà sản xuất vật liệu sơn phủ cần phải có trong tầm tay những thông tin cập nhật súc tích về bảo vệ chống ăn mòn nhờ các hệ sơn phủ. Điều có ý nghĩa sống còn là những thông tin đó càng hoàn chỉnh càng tốt, dễ hiểu và không mập mờ nhằm loại bỏ những khó khăn và hiểu lầm giữa các bên liên quan đến việc thực hành công việc bảo vệ chống ăn mòn.
TCVN 12705 (toàn bộ các phần) có mục đích cung cấp những thông tin dưới dạng những hướng dẫn. Tài liệu được soạn thảo phù hợp cho những người có trình độ kỹ thuật nhất định. Tài liệu cũng hàm ý thừa nhận rằng những người sử dụng TCVN 12705 (toàn bộ các phần) đã làm quen với những tiêu chuẩn quốc tế khác được viện dẫn, đặc biệt với những tiêu chuẩn liên quan đến việc chuẩn bị bề mặt.
TCVN 12705 (toàn bộ các phần) không đề cập đến những vấn đề thuộc phạm vi tài chính và hợp đồng, điểm lưu ý này được đưa ra trong thực tế do sự liên can đáng kể của việc bảo vệ chống ăn mòn không phù hợp, không tuân thủ các yêu cầu và khuyến cáo nêu trong TCVN 12705 (toàn bộ các phần) có thể gây nên những hậu quả tài chính nghiêm trọng.
SƠN VÀ VECNI – BẢO VỆ CHỐNG ĂN MÒN KẾT CẤU THÉP BẰNG CÁC HỆ SƠN BẢO VỆ – PHẦN 1: GIỚI THIỆU CHUNG
Paints and varnishes – Corrosion protection of steel structures by protective paint sytems – Part 1: General introduction
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này đưa ra phạm vi áp dụng chung của bộ TCVN 12705 (ISO 12944). Tiêu chuẩn này cũng đưa ra các thuật ngữ và định nghĩa cơ bản của bộ TCVN 12705 (ISO 12944) cũng như giới thiệu chung về các phần còn lại của bộ TCVN 12705 (ISO 12944). Ngoài ra, tiêu chuẩn này còn bao gồm các công bố chung về bảo vệ môi trường, sức khỏe, an toàn lao động, và hướng dẫn sử dụng bộ TCVN 12705 (ISO 12944) cho một dự án cụ thể.
2 Tài liệu viện dẫn
Những nguồn tham khảo sau được viện dẫn trong văn bản theo phương thức một phần hoặc toàn bộ nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu của tài liệu này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất (bao gồm cả các sửa đổi, nếu có).
ISO 4628-1, Paints and varnishes – Evaluation of degradation of coatings – Designation of quantity and size of defects, and of intensity of uniform changes in appearance – Part 1: General introduction and designation system (Sơn và vecni – Đánh giá sự xuống cấp của lớp phủ sơn – Tên gọi khối lượng và kích cỡ của khuyết tật, và của mức độ thay đổi đồng nhất bề ngoài – Phần 1: Giới thiệu chung và hệ thống tên gọi)
ISO 4628-2, Paints and varnishes – Evaluation of degradation of coatings – Designation of quantity and size of defects, and of intensity of uniform changes in appearance – Part 2: Assessment of degree of blistering (Sơn và vecni – Đánh giá sự xuống cấp của lớp phủ sơn – Tên gọi khối lượng và kích cỡ của khuyết tật, và của mức độ thay đổi đồng nhất bề ngoài – Phần 2: Đánh giá mức độ phòng rộp)
ISO 4628-3, Paints and varnishes – Evaluation of degradation of coatings – Designation of quantity and size of defects, and of intensity of uniform changes in appearance – Part 3: Assessment of degree of rusting (Sơn và vecni – Đánh giá sự xuống cấp của lớp phũ sơn – Tên gọi khối lượng và kích cỡ của khuyết tật, và của mức độ thay đổi đồng nhất bề ngoài – Phần 3: Đánh giá mức độ rỉ)
ISO 4628-4, Paints and varnishes – Evaluation of degradation of coatings – Designation of quantity and size of defects, and of intensity of uniform changes in appearance – Part 4: Assessment of degree of cracking (Sơn và vecni – Đánh giá sự xuống cấp của lớp phủ sơn – Tên gọi khối lượng và kích cỡ của khuyết tật, và của mức độ thay đổi đồng nhất bề ngoài – Phần 4: Đánh giá mức độ nứt vỡ)
ISO 4628-5, Paints and varnishes – Evaluation of degradation of coatings – Designation of quantity and size of defects, and of intensity of uniform changes in appearance – Part 5: Assessment of degree of flaking (Sơn và vecni – Đánh giá sự xuống cấp của lớp phủ sơn – Tên gọi khối lượng và kích cỡ của khuyết tật, vá của mức độ thay đổi đồng nhất bề ngoài – Phần 5: Đánh giá mức độ bong tróc)
TCVN 12705-2:2021 (ISO 12944-2), Sơn và vécni – Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ – Phần 2: Phân loại môi trường.
TCVN 12705-3:2021 (ISO 12944-3), Sơn và vécni – Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ – Phần 3: Các lưu ý trong thiết kế.
TCVN 12705-4:2021 (ISO 12944-4), Sơn và vécni – Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ – Phần 4: Các dạng bề mặt và chuẩn bị bề mặt.
TCVN 12705-5:2019 (ISO 12944 5), Sơn và vécni – Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ – Phần 5: Các hệ sơn bảo vệ.
TCVN 12705-6:2019 (ISO 12944-6), Sơn và vécni – Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ – Phần 6: Các phương pháp thử tính trong phòng thí nghiệm.
TCVN 12705-7:2021 (ISO 12944-7), Sơn và vécni – Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ – Phần 7: Thi công và giám sát thi công sơn.
TCVN 12705-8:2021 (ISO 12944-8), Sơn và vécni – Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ – Phần 8: Xây dựng các quy định kỹ thuật cho công tác sơn mới và bảo trì.
TCVN 12705-9:2021 (ISO 12944-9), Sơn và vécni – Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ – Phần 9: Các hệ sơn bảo vệ và các phương pháp thử nghiệm tính năng trong phòng thí nghiệm cho các công trình ngoài khơi và các kết cấu liên quan.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ, định nghĩa nêu trong TCVN 12705-2 (ISO 12944-2), TCVN 12705-3 (ISO 12944-3), TCVN 12705-4 (ISO 12944-4), TCVN 12705-5 (ISO 12944-5), TCVN 12705-6 (ISO 12944-6), TCVN 12705-7 (ISO 12944-7), TCVN 12705-8 (ISO 12944-2), TCVN 12705-9 (ISO 12944-9), và các thuật ngữ, định nghĩa sau:
3.1
Lớp phủ (Coat)
Lớp kim loại liên tục hoặc màng sơn (3.6) liên tục, hình thành từ một lần thi công duy nhất.
3.2
Ăn mòn (Corrosion)
Tương tác hóa lý giữa kim loại hoặc hợp kim và môi trường xung quanh gây nên những thay đổi về đặc tính của kim loại và thường có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng của kim loại, môi trường hoặc hệ thống kỹ thuật mà chúng là một bộ phận cấu thành.
3.3
Hư hại ăn mòn (corrosion damage)
Tác động ăn mòn (Điều 3.2) được coi là có hại cho tính năng của kim loại, môi trường hoặc hệ thống kỹ thuật mà chúng là một bộ phận cấu thành.
3.4
Ứng suất ăn mòn (corrosion stress)
Yếu tố môi trường thúc đẩy sự ăn mòn (Điều 3.2).
3.5
Độ bền lâu (durability)
Tuổi thọ dự kiến của hệ sơn (Điều 3.6) bảo vệ, tính đến lần sơn bảo dưỡng lớn đầu tiên.
CHÚ THÍCH: Độ bền lâu là lưu ý kỹ thuật / thông số kế hoạch giúp chủ đầu tư lập lịch trình bảo dưỡng (Xem 5.5).
3.6
Sơn (Paint)
Vật liệu phủ có chứa bột màu, khi được phủ lên một tấm nền (Điều 3.9), tao thành một màng khô mờ đục, có các đặc tính bảo vệ, trang trí hoặc kỹ thuật cụ thể.
3.7
Hệ lớp phủ bảo vệ (protective coating system)
Toàn bộ các lớp phủ (Điều 3.1) từ vật liệu kim loại và/hoặc sơn (Điều 3.6) hoặc các sản phẩm liên quan đã hoặc sẽ được thi công lên tấm nền (Điều 3.9) nhằm bảo vệ chống ăn mòn (Điều 3.2).
3.8
Hệ sơn bảo vệ (protective paint system)
Toàn bộ các lớp phủ (Điều 3.1) dạng sơn (Điều 3.6) hoặc các sản phẩm liên quan đã hoặc sẽ được thi công lên tấm nền (Điều 3.9) nhằm bảo vệ chống ăn mòn (Điều 3.2).
3.9
Tấm nền (substrate)
Bề mặt mà vật liệu phủ đã hoặc sẽ được thi công lên trên.
CHÚ THÍCH: Tấm nền được coi là thép carbon.
3.10
Sơn sửa chữa cục bộ (spot repair)
Sơn sửa chữa cục bộ (bao gồm cả việc chuẩn bị bề mặt) khi khi hệ lớp phủ bảo vệ chống ăn mòn (Điều 3.2) đã bị hư hỏng.
3.11
Sơn lại một phần (partial refurbishment)
Sơn sửa chữa cục bộ (Điều 3.10) các khuyết tật của lớp phủ, tiếp theo là chuẩn bị bề mặt và thi công tối thiểu một lớp phủ (Điều 3.1) bề mặt trên toàn bộ khu vực.
3.12
Sơn lại toàn bộ (total refurbishment)
Loại bỏ hoàn toàn hệ sơn (Điều 3.6) bảo vệ cũ và thi công một hệ sơn mới.
3.13
Khu vực mẫu (sample area)
Khu vực mà trên đó tính năng của lớp phủ mới thi công được thử nghiệm.
4 Giới thiệu chung về bộ tiêu chuẩn
4.1 Tổng quan
TCVN 12705 (tất cả các phần) quy định về việc chống ăn mòn kết cấu thép bằng hệ sơn bảo vệ.
4.2 Giới hạn phạm vi bảo vệ
TCVN 12705 (tất cả các phần) chỉ quy định về chức năng bảo vệ chống ăn mòn của hệ sơn. Các chức năng bảo vệ khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của TCVN 12705 (tất cả các phần), như bảo vệ chống lại các tác nhân:
– Vi sinh vật (vi sinh biển, vi khuẩn, nấm, v.v.);
– Hóa chất (axit, kiềm, dung môi hữu cơ, khí ga, v.v.);
– Tác động cơ học (mài mòn, v.v.);
– Lửa.
4.3 Lĩnh vực áp dụng
4.3.1 Khái quát
Lĩnh vực áp dụng được đặc trưng bởi:
– Loại kết cấu;
– Loại bề mặt và chuẩn bị bề mặt;
– Loại môi trường;
– Loại hệ sơn bảo vệ;
– Loại công việc;
– Độ bền lâu của hệ sơn bảo vệ.
Mặc dù TCVN 12705 (tất cả các phần) không bao gồm tất cả các loại kết cấu, bề mặt và chuẩn bị bề mặt, nhưng theo quy ước, có thể được áp dụng cho những trường hợp không được đề cập đến trong đó.
Các khía cạnh khác nhau của điều kiện áp dụng được mô tả chi tiết hơn trong 4.3.2 đến 4.3.7.
4.3.2 Loại kết cấu
TCVN 12705 (tất cả các phần) áp dụng cho các kết cấu bằng thép cacbon (ví dụ, phù hợp với EN 10025-1 và EN 10025-2) có độ dày không nhỏ hơn 3 mm, được thiết kế nhờ phương pháp tính toán độ bền cho phép.
Kết cấu bê tông cốt thép không thuộc phạm vi điều chỉnh của TCVN 12705 (tất cả các phần).
4.3.3 Loại bề mặt và chuẩn bị bề mặt
TCVN 12705 (tất cả các phần) đề cập đến các loại bề mặt sau, bao gồm thép cacbon hoặc thép hợp kim thấp, và công tác chuẩn bị bề mặt đó:
– Bề mặt không có lớp phủ;
– Bề mặt được phun kẽm nóng, nhôm hoặc hợp kim của chúng;
– Bề mặt mạ kẽm nhúng nóng;
– Bề mặt mạ kẽm điện;
– Bề mặt phủ kẽm theo phương pháp Sherard;
– Bề mặt được sơn bằng sơn lót tiền chế;
– Các bề mặt sơn khác.
4.3.4 Loại môi trường
TCVN 12705 (tất cả các phần) đề cập đến:
– sáu loại ăn mòn cho môi trường khí quyển, và
– bốn loại cho kết cấu ngâm trong nước hoặc chôn trong đất: Im1, Im2, Im3 và Im4.
4.3.5 Loại hệ sơn bảo vệ
TCVN 12705 (tất cả các phần) bao gồm loạt các sản phẩm sơn khô hoặc đóng rắn trong điều kiện môi trường xung quanh. Các sản phẩm sau không thuộc phạm vi điều chỉnh của TCVN 12705 (tất cả các phần):
– Vật liệu sơn tĩnh bột,
– Sơn men sấy,
– Sơn đóng rắn nóng, và
– Lớp phủ bảo vệ bề mặt bên trong của bể chứa (lớp lót).
4.3.6 Loại công việc
TCVN 12705 (tất cả các phần) bao gồm cả công việc sơn mới và sơn bảo trì.
4.3.7 Độ bền lâu của hệ sơn bảo vệ
TCVN 12705 (tất cả các phần) xem xét bốn khoảng độ bền lâu khác nhau (thấp, trung bình, cao và rất cao). Xem 3.5 và Điều 5.
Độ bền lâu của hệ sơn bảo vệ không phải là “thời hạn bảo hành”.
5 Các lưu ý và yêu cầu chung
5.1 Vì độ bền lâu của hệ sơn bảo vệ thường được coi là ngắn hơn tuổi thọ khai thác dự kiến của kết cấu, nên cần bổ sung các lưu ý ở giai đoạn lập kế hoạch và thiết kế về khả năng bảo dưỡng và sơn mới lại (một phần hoặc toàn bộ).
Các khu vực mẫu cung cấp chỉ dẫn về dạng sơn lại và cũng có thể được sử dụng để đánh giá hình thức bên ngoài.
5.2 Các bộ phận kết cấu chịu ứng suất ăn mòn và không còn được tiếp cận các biện pháp bảo vệ chống ăn mòn sau khi xây lắp, phải được cung cấp giải pháp bảo vệ chống ăn mòn khác có hiệu lực, và từ đó đảm bảo tính ổn định của kết cấu trong suốt thời gian khai thác, sử dụng. Nếu điều này không thể đạt được bằng các hệ thống lớp phủ bảo vệ, thì phải thực hiện các biện pháp khác (ví dụ, sản xuất các bộ phận từ vật liệu chống ăn mòn, thiết kế các bộ phận sao cho chúng có thể thay thế được hoặc quy định kỹ thuật cho phép ăn mòn đến một giới hạn nào đó).
5.3 Tính hiệu quả về chi phí và tính bền vững của một hệ thống bảo vệ chống ăn mòn nhất định, nói chung sẽ tỷ lệ thuận với khoảng thời gian duy trì tính năng bảo vệ một cách có hiệu quả, bởi vì khối lượng công việc bảo trì hoặc cần thay mới trong thời gian khai thác của kết cấu sẽ được giảm thiểu.
5.4 Loại điều kiện môi trường (4.3.4) và độ bền của hệ lớp phủ (5.5) là các thông số chính để lựa chọn hộ lớp phủ bảo vệ.
5.5 Mức độ hư hỏng của lớp phủ trước lần sơn bảo dưỡng lớn đầu tiên phải dựa trên thỏa thuận của các bên liên quan và phải được đánh giá dựa theo ISO 4628-1, ISO 4628-2, ISO 4628-3, ISO 4628-4 và ISO 4628-5, trừ khi có thỏa thuận khác giữa các bên liên quan.
Ví dụ, lần sơn bảo dưỡng lớn đầu tiên thông thường cần được thực hiện vì lý do bảo vệ chống ăn mòn khi khoảng 10% lớp phủ đã đạt Ri 3, như định nghĩa trong ISO 4628-3. Yêu cầu này có thể được áp dụng cho toàn bộ kết cấu hoặc áp dụng cho các khu vực đại diện theo thỏa thuận giữa các bên liên quan, sau đó có thể được phân loại riêng.
Trong tiêu chuẩn này, tuổi thọ dự kiến được xác định theo bốn khoảng:
– Thấp (L) lên đến 7 năm;
– Trung bình (M) 7 đến 15 năm;
– Cao (H) 15 đến 25 năm;
– Rất cao (VH) trên 25 năm.
Tuổi thọ dự kiến không phải là “thời gian bảo hành”. Tuổi thọ dự kiến là một thông số xem xét kỹ thuật / quy hoạch giúp đơn vị quản lý lập lịch trình bảo dưỡng. Thời hạn bảo hành được coi là một căn cứ pháp lý trong các điều khoản trong nội dung của hợp đồng. Thời gian bảo hành thường ngắn hơn khoảng độ bền lâu. Không có quy tắc cụ thể nào về mối quan hệ giữa hai khái niệm thời gian trên.
6 Sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường
Khách hàng, người chỉ định, nhà thầu, nhà sản xuất sơn, thanh tra giám sát và tất cả những thành viên khác tham gia vào một dự án có nghĩa vụ thực hiện công việc mà họ chịu trách nhiệm theo cách không gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của bản thân hoặc người khác.
Ví dụ, các mục cần chú ý cụ thể là:
– Không chỉ định hoặc sử dụng các chất độc hại hoặc gây ung thư;
– Phát thải các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs);
– Các biện pháp phòng chống tác hại của khói, bụi, hơi và tiếng ồn, cũng như các nguy cơ gây hỏa hoạn;
– Bảo vệ cơ thể, bao gồm cả mắt, da, tai và hệ hô hấp;
– Bảo vệ môi trường nước và đất trong công việc bảo vệ chống ăn mòn;
– Tái chế vật liệu và xử lý chất thải.
7 Thông tin về các phần khác của Bộ tiêu chuẩn
7.1 TCVN 12705-2 mô tả các ứng suất ăn mòn khí quyển, nước và đất khác nhau. Nó phân định các loại ăn mòn khí quyển và chỉ ra các ứng suất ăn mòn có thể xảy ra trong các tình huống mà kết cấu thép bị ngâm trong nước hoặc chôn trong đất. Ứng suất ăn mòn tác động lên kết cấu thép là một thông số thiết yếu ảnh hưởng tới việc lựa chọn hệ sơn bảo vệ phù hợp dựa theo Phần 5 của bộ tiêu chuẩn.
7.2 TCVN 12705-3 cung cấp thông tin về các tiêu chí thiết kế cơ bản cho kết cấu thép nhằm mục đích cải thiện khả năng chống ăn mòn của chúng. Phần này đưa ra các ví dụ về thiết kế phù hợp và không phù hợp, sử dụng sơ đồ để chỉ ra các cấu kiện và sự kết hợp của các cấu kiện trong kết cấu có thể gây ra các vấn đề về khả năng tiếp cận trong quá trình chuẩn bị bề mặt và khi thi công, giám sát và bảo dưỡng hệ sơn. Ngoài ra, các tính năng thiết kế tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và tập kết cấu kiện thép cũng được thảo luận.
7.3 TCVN 12705-4 mô tả các loại bề mặt khác nhau cần được bảo vệ và cung cấp thông tin vè các các phương pháp chuẩn bị bề mặt bằng phương pháp cơ học, hóa học và nhiệt. Nó đề cập đến các cấp chuẩn bị bề mặt, biến dạng bề mặt (độ nhám), việc đánh giá bề mặt đã chuẩn bị, việc bảo vệ tạm thời bề mặt đã chuẩn bị, việc chuẩn bị bề mặt được bảo vệ tạm thời cho lần sơn phủ tiếp theo, việc chuẩn bị các lớp mạ kim loại hiện hữu và xem xét các vấn đề về môi trường. Trong chừng mực có thể, Tiêu chuẩn này được viện dẫn theo các Tiêu chuẩn quốc tế cơ bản về việc chuẩn bị bề mặt thép trước khi thi công sơn và các sản phẩm liên quan. Phần 4 của bộ tiêu chuẩn được biên soạn để đọc cùng với Phần 5 và Phần 7 của bộ tiêu chuẩn.
7.4 TCVN 12705-5 mô tả các loại sơn khác nhau thướng gặp trên cơ sở thành phần hóa học và quá trình tạo màng. Nó đưa ra các ví dụ về các hệ sơn bảo vệ khác nhau đã được chứng minh là phù hợp cho các kết cấu chịu ứng suất ăn mòn và các phân loại ăn mòn được mô tả trong Phần 2 của bộ tiêu chuẩn, phản ánh các kiến thức hiện hành trên phạm vi toàn thế giới. Phần 5 được biên soạn để đọc cùng với Phần 6 của bộ tiêu chuẩn.
7.5 TCVN 12705-6 quy định về các phương pháp thử trong phòng thí nghiệm được sử dụng khi đánh giá tính năng của hệ sơn bảo vệ. Phần này được biên soạn đặc biệt dành cho các hệ sơn chưa có đủ ứng dụng trong thực tế và bao gồm việc thử nghiệm các hệ sơn được thiết kế để phun phủ cho bề mặt thép được làm sạch bằng phương pháp thổi, thép mạ kẽm nhúng nóng và các lớp phủ kim loại được phun nhiệt. Môi trường khí quyển và môi trường ngập nước (nước ngọt, nước lợ hoặc nước biển) cũng được quy định trong phần này.
7.6 TCVN 12705-7 mô tả cách thực hiện sơn phủ trong xưởng hoặc tại hiện trường. Nó mô tả các phương pháp thi công các vật liệu phủ. Vận chuyển và bảo quản các vật liệu phủ trước khi thi công, kiểm tra công việc và theo dõi kết quả của hệ sơn, cũng như việc chuẩn bị các khu vực đối chứng cũng được đề cập. Nó không bao gồm công việc chuẩn bị bề mặt (xem TCVN 12705-4).
7.7 TCVN 12705-8 đưa ra hướng dẫn để xây dựng các chỉ dẫn kỹ thuật cho công việc bảo vệ chống ăn mòn, mô tả mọi yếu tố cần xem xét trong công tác bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép. Để thuận tiện cho người dùng, Phần 8 này phân biệt giữa yêu cầu kỹ thuật cho dự án, yêu cầu kỹ thuật cho hệ sơn, yêu cầu kỹ thuật cho công tác thi công sơn và yêu cầu kỹ thuật cho công tác giám sát và thử nghiệm. Các phụ lục đề cập đến các vấn đề cụ thể như lập kế hoạch công tác, các khu vực đối chứng và kiểm tra, và đưa ra các biểu mẫu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công việc.
7.8 TCVN 12705-9 mô tả các yêu cầu, phương pháp thử và tiêu chí đánh giá đối với hệ lớp phủ bảo vệ trong điều kiện ngoài khơi và các điều kiện liên quan khác, được phân loại CX và Im4. Phần 9 này chỉ đề cập đến phần ngoài khơi của phân loại CX. Các yêu cầu, phương pháp thử và tiêu chí được chấp nhận của các ứng suất ăn mòn cực đoan khác thuộc phân loại CX phải được thỏa thuận riêng giữa các bên liên quan.
Phụ lục A
(Tham khảo)
Hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chuẩn cho một dự án cụ thể
Để đảm bảo chống ăn mòn một cách hiệu quả, việc soạn thảo các yêu cầu kỹ thuật phù hợp cho dự án (xem TCVN 12705-8) là rất quan trọng, dựa trên cơ sở các vấn đề sau:
a) Phân tích hoặc ước tính độ ăn mòn của môi trường trong khu vực đặt hoặc sắp đặt kết cấu (xem TCVN 12705-2);
b) Đưa ra điều kiện đặc biệt nào có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn hệ sơn được sử dụng (xem TCVN 12705-5);
c) Kiểm tra thiết kế của kết cấu và đảm bảo rằng đã tránh được các bẫy ăn mòn và khả năng tiếp cận cho công việc chống ăn mòn được đảm bảo; phòng tránh ăn mòn điện hóa bằng cách không để các kim loại khác nhau tiếp xúc điện hóa với nhau (xem TCVN 12705-3);
d) Đánh giá tình trạng của bề mặt cần được xử lý (xem TCVN 12705-4) để sơn bảo dưỡng;
e) Xác định những hệ sơn có độ bền đạt yêu cầu từ danh mục những hệ sơn phù hợp với môi trường liên quan (xem TCVN 12705-5), hoặc từ kết quả thí nghiệm tính năng trong phòng thí nghiệm nếu không có kinh nghiệm sử dụng thực tế (xem TCVN 12705-6);
f) Chọn từ hệ sơn xác định phương án tối ưu nhất, có cân nhắc tới phương pháp được sử dụng để chuẩn bị bề mặt sơn (xem TCVN 12705-4);
g) Đảm bảo việc giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường cũng như tất cả các rủi ro về sức khỏe và an toàn (xem TCVN 12705-1 và TCVN 12705-8);
h) Lập kế hoạch công việc và lựa chọn phương án thi công (xem TCVN 12705-7);
i) Thiết lập chương trình giám sát được thực hiện trong và sau công việc (xem TCVN 12705-7 và TCVN 12705-8);
j) Đưa ra chu trình bảo trì trong toàn bộ tuổi thọ khai thác của kết cấu.
CHÚ THÍCH: Để lập kế hoạch chi tiết, tham khảo TCVN 12705-8, Phụ lục C và Phụ lục D.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1]. ISO 4618:2014, Paints and varnishes – Terms and definitions (Sơn và vecni – Thuật ngữ và định nghĩa)
[2]. ISO 8044:2015, Corrosion of metals and alloys – Basic terms and definitions (Ăn mòn kim loại và hợp kim – Thuật ngữ và định nghĩa cơ bản)
[3]. ISO 9001, Quality management systems – Requirements (Hệ thống quản lý chất lượng – Các yêu cầu)
[4]. EN 10025-1, Hot rolled products of structural steels – Part 1: General technical delivery conditions (Sản phẩm thép công trình cán nóng – Phần 1: Các điều kiện kỹ thuật giao nhận chung)
[5]. EN 10025-1, Hot rolled products of structural steels – Part 2: Technical delivery conditions for non-alloy structural steels (Sản phẩm thép công trình cán nóng – Phần 2: Các điều kiện kỹ thuật giao nhận cho thép công trình phi hợp kim)
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Giới thiệu chung về bộ tiêu chuẩn
4.1 Tổng quan
4.2 Giới hạn phạm vi bảo vệ
4.3 Lĩnh vực áp dụng
4.3.1 Khái quát
4.3.2 Loại kết cấu
4.3.3 Loại bề mặt vá chuẩn bị bề mặt
4.3.4 Loại môi trường
4.3.5 Loại hệ sơn bảo vệ
4.3.6 Loại công việc
4.3.7 Độ bền lâu của hệ sơn bảo vệ
5. Các lưu ý và yêu cầu chung
6. Bảo vệ môi trường, an toàn và sức khỏe con người
7. Thông tin về các phần khác của bộ tiêu chuẩn
Phụ lục A (Tham khảo): Hướng dẫn sử dụng Bộ tiêu chuẩn cho một dự án cụ thể
Thư mục tài liệu tham khảo