Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Ban hành VBQPPL) quy định về nguyên tắc áp dụng VBQPPL như sau:
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”.
- Nguyên tắcthời điểm bắt đầu có hiệu lực, hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật
Theo quy định của khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL, VBQPPL có hiệu lực từ thời điểm nào thì áp dụng pháp luật từ thời điểm đó và VBQPPL sẽ được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Ví dụ, việc mua bán nhà diễn ra vào năm 2021 thì áp dụng Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017).
Hiệu lực trở về trước là việc dùng quy định của VBQPPL mới áp dụng đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản này có hiệu lực. Hiệu lực trở về trước không được quy định đối với hai trường hợp sau đây: một là, quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý; hai là, quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn (Điều 152 Luật Ban hành VBQPPL). Về cơ bản, Luật Ban hành VBQPPL kế thừa quy định của Điều 79 Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 về hiệu lực trở về trước của VBQPPL và có tiếp thu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới[1] về vấn đề này. So với Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, Luật Ban hành VBQPPL đã làm rõ hơn thế nào là “trường hợp cần thiết”. Đó là các trường hợp: để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, VBQPPL của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.
- Nguyên tắc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn
Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, trong trường hợp các VBQPPL có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
- Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề
Việc áp dụng văn bản ban hành sau theo nguyên tắc trên là phù hợp bởi vì văn bản ban hành sau sẽ phản ánh bản chất của quan hệ xã hội đang diễn ra đúng thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của xã hội. Các VBQPPL của cùng một cơ quan ban hành quy định về cùng một vấn đề đang có hiệu lực thì sẽ dễ dẫn đến sự tuỳ nghi trong việc lựa chọn áp dụng VBQPPL của chủ thể có thẩm quyền. Như vậy, nguyên tắc áp dụng văn bản được ban hành sau góp phần giải quyết được những bất cập trong việc lựa chọn VBQPPL áp dụng trên thực tế.
- Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật mới trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực
Pháp luật Việt Nam không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn được áp dụng “hồi tố” nhằm mục đích không gây bất lợi cho các chủ thể liên quan khác. Trường hợp pháp luật quy định trách nhiệm nhẹ hơn đối với một chủ thể nhưng đồng thời tăng trách nhiệm cho chủ thể tương ứng thì không thể coi là thuộc nguyên tắc này.
- Nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế trước văn bản quy phạm pháp luật, trừ Hiến pháp
Theo quy định của khoản 5 Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL, việc áp dụng VBQPPL trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp VBQPPL trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định: “Trường hợp VBQPPL và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế đó”.
Như vậy, những quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên sẽ được thực thi trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa quy định đầy đủ. Trường hợp pháp luật trong nước có quy định khác hoặc trái với điều ước quốc tế, thì ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế.
Về tính hợp lý theo quy định của pháp luật hiện hành: Trong mục (4) Điều 154 của Luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 có quy định: “‘Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực,. Mục (2) Điều 156: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vần đề thì áp dụng văn bản cỏ pháp lý cao hơn”. Mục (3) Điêu 156: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Mục (4) Điều 156: ” Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới”. Trong trường hợp này TVGS và CĐT phải ra thư áp dụng tiêu chuẩn đó.