Dự án phải có giấy phép môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Luật Bảo vệ môi trường 2020 không yêu cầu việc thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đã được triển khai thực hiện theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Các trường hợp chuyển tiếp :

– Trường hợp dự án không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, không thuộc đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, được xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trước thời điểm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực và đã tiến hành thi công thì không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

– Trong trường hợp dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thuộc đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường mà chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì bị xử phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định tại Điều 168 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường quy định đối tượng phải có giấy phép môi trường bao gồm:

“1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường”.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định:

“1. Xả nước thải vào môi trường là việc cá nhân, tổ chức xả các loại nước thải vào môi trường đất, nước dưới đất, nước mặt, nước biển bên trong và ngoài cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung”.

Theo thông tin cung cấp, cơ sở xử lý nước thải đạt TCVN 6772:2000 (Mức III); TCVN 6773-2001 và xả nước thải ra hồ chứa nước của cơ sở; hồ chứa nước còn được bơm nước giếng khoan vào để cấp nước tưới cỏ; không có khí thải phải xử lý; chất thải nguy hại dưới ngưỡng quy định. Theo quy định pháp luật hiện hành, TCVN 6772:2000. chất lượng nước – nước thải sinh hoạt – giới hạn ô nhiễm cho phép đã được thay thế bằng QCVN14:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt; TCVN 6773:2000. chất lượng nước – chất lượng nước dùng cho thuỷ lợi đã được thay thế bằng QCVN 08-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (cột B1 – Dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi).

Như vậy, trường hợp hồ chứa nước của cơ sở có lót đáy và không thấm nước thải ra môi trường đất thì không coi là xả ra môi trường và cơ sở sẽ không thuộc trường hợp phải có giấy phép môi trường đối với nước thải.

Trường hợp hồ chứa nước của cơ sở không có lót đáy và có thể thấm nước thải ra môi trường đất thì được coi là xả ra môi trường và cơ sở sẽ thuộc trường hợp phải có giấy phép môi trường.

Chính phủ

Zalo
0868.393.098