Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Giám định tư pháp xây dựng là hoạt động giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.
Căn cứ theo Khoản 6, Điều 2 của Luật Giám định tư pháp năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020, Luật quy định Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết các tiêu chuẩn đối với giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Vậy, quy trình thực hiện giám định tư pháp xây dựng như thế nào ?
Căn cứ theo Điều 10 của Thông tư số 17/2021/TT-BXD ngày 22 tháng 12 năm 2021 quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về quy trình thực hiện giám định tư pháp xây dựng như sau:
Tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định
a) Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định hoặc văn bản yêu cầu giám định; kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, đối tượng giám định (nếu có) được giao nhận theo quy định;
b) Việc giao, nhận hồ sơ, tài liệu, đối tượng giám định thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Giám định tư pháp. Trường hợp đối tượng giám định không thể gửi kèm quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định thì người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng thực hiện lập biên bản giao, nhận đối tượng giám định tại hiện trường nơi có vụ việc được trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định;
c) Trường hợp hồ sơ, tài liệu phục vụ giám định không đầy đủ, không hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có văn bản đề nghị người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định bổ sung, hoàn thiện;
d) Trường hợp từ chối giám định theo quy định:
+ Từ chối giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
+ Từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm.
Hoặc trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp theo quy định tại Điều 34 Luật Giám định tư pháp:
“Điều 34. Các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp
1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:
a) Thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật về tố tụng quy định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi;
b) Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án, vụ việc mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp
a) Có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng;
b) Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng tổ chức này có thể không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định.”
Thì tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng thông báo lý do bằng văn bản cho người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định.
Chuẩn bị giám định
a) Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng cần thiết lập đề cương, dự toán chi phí giám định và đề nghị tạm ứng chi phí giám định gửi người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định. Đề cương giám định bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
– Căn cứ thực hiện giám định: quyết định trưng cầu giám định hoặc văn bản yêu cầu giám định; các quy định pháp luật, danh mục các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và các căn cứ khác (nếu có);
– Thông tin về tổ chức, cá nhân thực hiện giám định;
– Thông tin về đối tượng và nội dung giám định; quy trình, phương pháp thực hiện giám định; tên phòng thí nghiệm, danh mục các thiết bị được sử dụng (nếu có); các nội dung cần thiết khác để phục vụ giám định;
– Thời gian, tiến độ hoàn thành;
– Dự toán chi phí giám định kèm theo;
b) Người trưng cầu, người yêu cầu giám định tổ chức xem xét, chấp thuận đề cương, dự toán chi phí giám định và tạm ứng chi phí giám định theo đề nghị của tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng. Trường hợp cần thiết, người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có thể thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện thẩm tra đề cương, dự toán chi phí giám định để làm cơ sở chấp thuận. Việc thoả thuận thực hiện giám định giữa người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng được thể hiện bằng hợp đồng hoặc bằng hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật.
Thực hiện giám định
a) Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng thực hiện giám định theo nội dung đề cương giám định được chấp thuận; kết luận giám định được lập theo quy định tại Điều 32 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và đáp ứng nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định;
“Điều 32. Kết luận giám định tư pháp
1. Kết luận giám định tư pháp phải bằng văn bản, bao gồm các nội dung sau đây:
a) Họ, tên người giám định tư pháp; tổ chức thực hiện giám định tư pháp;
b) Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;
c) Thông tin xác định đối tượng giám định;
d) Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp;
đ) Nội dung yêu cầu giám định;
e) Phương pháp thực hiện giám định;
g) Kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp;
h) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.
2. Trong trường hợp trưng cầu, yêu cầu cá nhân thực hiện giám định tư pháp thì bản kết luận giám định tư pháp phải có chữ ký và ghi rõ họ, tên của người giám định tư pháp. Trường hợp yêu cầu tổ chức cử người giám định thì bản kết luận giám định tư pháp phải có đầy đủ chữ ký, ghi rõ họ, tên của người giám định tư pháp và có xác nhận chữ ký của tổ chức cử người giám định.
Trường hợp trưng cầu, yêu cầu tổ chức thực hiện giám định tư pháp thì ngoài chữ ký, họ, tên của người giám định, người đứng đầu tổ chức còn phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp.
Trường hợp Hội đồng giám định quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này thực hiện giám định thì người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng giám định.
3. Trong trường hợp việc giám định được thực hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, theo đúng trình tự, thủ tục do Luật này quy định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể sử dụng kết luận giám định đó như kết luận giám định tư pháp.”.
b) Trong quá trình thực hiện, tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng phải lập văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định theo quy định tại Điều 31 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp;
“Điều 31. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định tư pháp
1. Người thực hiện giám định tư pháp phải ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực bằng văn bản toàn bộ quá trình thực hiện vụ việc giám định.
2. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định tư pháp nêu rõ tình trạng đối tượng gửi giám định và thông tin, tài liệu có liên quan gửi kèm theo làm căn cứ để thực hiện giám định, thời gian, địa điểm, nội dung công việc, tiến độ, phương pháp thực hiện giám định, kết quả thực hiện và phải có chữ ký của người giám định tư pháp.
Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định tư pháp phải được lưu trong hồ sơ giám định.”.
c) Trường hợp cần bổ sung hồ sơ, tài liệu để phục vụ việc giám định thì tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có văn bản đề nghị người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định bổ sung. Thời gian từ khi tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời gian giám định. Trường hợp hồ sơ, tài liệu không được bổ sung đủ theo đề nghị thì tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có quyền từ chối giám định.
Bàn giao kết luận giám định và thanh toán chi phí giám định
Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có trách nhiệm bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và lập thành biên bản. Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm thanh toán chi phí giám định cho tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng theo quy định.
Tham dự phiên tòa
Khi có yêu cầu của tòa án, đại diện tổ chức hoặc cá nhân giám định tư pháp xây dựng tham gia phiên tòa để giải thích các nội dung trong kết luận giám định. Tòa án có trách nhiệm bố trí vị trí phù hợp cho người giám định tư pháp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và thanh toán chi phí đi lại, chế độ bồi dưỡng cho người giám định tham dự phiên tòa theo quy định của pháp luật về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa.