Tại Khoản 3 Điều 82 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 24 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14) quy định: “Cơ quan thẩm định được mời tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia thẩm định thiết kế xây dựng”.
Tại Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định: “3. Trong quá trình thẩm định, chủ đầu tư hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp tham gia thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở”.
Như vậy, nếu chiếu theo quy định trên thì khi thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở cơ quan thẩm định chỉ được mời tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định, chứ không được yêu cầu thuê tư vấn thẩm tra.
Tuy nhiên, quy định này mâu thuẫn với quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 87 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 28 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14), theo đó cơ quan chuyên môn về xây dựng có quyền: “Yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra; mời tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia thẩm định khi cần thiết”.
Ngoài ra đối với những công trình theo Khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 24 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14) cũng bắt buộc phải được tư vấn thẩm tra.
Vậy xin hỏi Bộ Xây dựng một số nội dung sau:
1. Khi thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cơ quan chuyên môn về xây dựng có được yêu cầu chủ đầu tư thuê tư vấn thẩm tra thiết kế hay không? Việc mời tổ chức, cá nhân tham gia gia thẩm định bằng hình thức nào, trách nhiệm của các bên như thế nào? Nếu không được thuê tư vấn thẩm tra thì cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện sẽ rất khó có đủ điều kiện thực hiện thẩm định do số lượng công trình sử dụng vốn đầu tư công rất nhiều, biên chế công chức lại ít.
2. Trường hợp được thuê tư vấn thẩm tra thiết kế thì quy trình, thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra thực hiện như thế nào, vì theo quy định về đấu thầu thì tất cả các gói thầu đều phải có kế hoạch đấu thầu và có giá gói thầu được người có thẩm quyền phê duyệt, do đó sẽ dẫn đến phát sinh nhiều thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện.
3. Trường hợp trong tổng mức đầu tư chưa tính khoản mục chi phí thẩm tra thiết kế mà chỉ tính phí thẩm định (do dự án được duyệt cuối năm 2020 khi Luật số 62/2020/QH14 chưa có hiệu lực) thì có cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư để bổ sung chi phí này hay không?
4. Đề nghị sớm ban hành quy định mới về các loại phí thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Trả lời
1.Công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng (được quy định tại Phụ lục X Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng) phải được thẩm tra làm cơ sở cho việc thẩm định theo quy định tại khoản 6 Điều 82 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14. Do đó, hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở các công trình thuộc đối tượng nêu trên đã phải được thẩm tra trước khi trình thẩm định.
Việc thẩm tra này được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
2.Việc xác định dự toán xây dựng công trình được quy định tại Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Theo đó, chi phí thẩm tra thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thuộc dự toán xây dựng công trình (chi phí tư vấn đầu tư xây dựng). Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng (nếu có) được quy định tại Điều 9 Nghị định này.
3.Các quy định mới về phí thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính.
Quý công dân căn cứ các nội dung hướng dẫn nêu trên để nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý hoạt động xây dựng