TCVN – Nhà và Công trình – Nguyên tắc khảo sát sau cháy

Nhà và công trình – nguyên tắc khảo sát sau cháy

Buildings and structures. Rules of inspection after the fire

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các tòa nhà và công trình bị hư hại do hỏa hoạn (đám cháy), cũng như đối với các công trình kỹ thuật kiểm tra các công trình xây dựng của các tòa nhà và công trình có mục đích sử dụng khác nhau sau hỏa hoạn.

Tiêu chuẩn này quy định trình tự và thành phần của các công việc kỹ thuật để kiểm tra các tòa nhà và công trình xây dựng sau hỏa hoạn, thiết lập các yêu cầu đối với: các phương pháp và giới hạn trong việc đánh giá tình trạng kỹ thuật, việc thực hiện các tính toán kiểm tra và lựa chọn các phương pháp gia cường các công trình xây dựng bị hư hại do hỏa hoạn. Đặc thù của tác động nhiệt độ cao trong thời gian ngắn của hỏa hoạn đối với vật liệu và kết cấu xây dựng đã được kể đến trong tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các tác động nhiệt độ do công nghệ và vận hành.

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau đây cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

TCVN 6739:2015 (ISO 817:2014), Môi chất lạnh – Ký hiệu và phân loại an toàn;

TCVN 13521:2022, Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà;

TCVN 13580:2023, Thông gió và điều hòa không khí – Yêu cầu chế tạo đường ống;

TCVN 13581:2023, Thông gió và điều hòa không khí – Yêu cầu lắp đặt đường ống và nghiệm thu hệ thống.

TCVN 197-1:2014, Vật liệu kim loại – Thử kéo – Phần 1: Phương pháp thử ở nhiệt độ phòng;

TCVN 1651-1, Thép cốt cho bê tông – Phần 1: Thép thanh tròn trơn;

TCVN 1651-2, Thép cốt cho bê tông – Phần 2: Thép thanh vằn;

TCVN 5573:2011, Kết cấu gạch đá và gạch đá cốt thép – tiêu chuẩn thiết kế;

TCVN 5574:2018, Thiết kế kết cấu bê tông và bê tông cốt thép;

TCVN 5575:2024, Thiết kế kết cấu thép;

TCVN 9335:2012, Bê tông nặng – Phương pháp thử không phá hủy – Xác định cường độ nén sử dụng kết hợp máy đo siêu âm và súng bật nẩy;

TCVN 9346, Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép – Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường biển;

TCVN 12251, Bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu xây dựng;

TCVN 363:1970, Gỗ – Phương pháp xác định giới hạn bền khi nén;

TCVN 8044:2014, Gỗ – Phương pháp lấy mẫu và yêu cầu chung đối với thử nghiệm cơ lý của mẫu nhỏ từ gỗ tự nhiên;

TCVN 8164:2015, Kết cấu gỗ – Gỗ phân hạng theo độ bền – Phương pháp thử các tính chất kết cấu;

TCVN 11683:2016, Kết cấu gỗ-Gỗ nhiều lớp (LVL)-Tính chất kết cấu;

TCVN 13707-3:2023, Tính chất vật lý và cơ học của gỗ – Phương pháp thử dành cho mẫu nhỏ không khuyết tật từ gỗ tự nhiên – Phần 3: Xác định độ bền uốn tĩnh;

3  Thuật ngữ và định nghĩa. Các ký hiệu cơ bản

3.1  Thuật ngữ và định nghĩa

Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:

3.1.1

Tai nạn

Sự cố công nghệ nguy hiểm tạo ra mối đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của con người tại một hạng mục, một khu đất hoặc vùng nước và dẫn đến phá hủy hoặc hư hại các tòa nhà, công trình, thiết bị và phương tiện giao thông, làm gián đoạn quá trình sản xuất hoặc giao thông, gây thiệt hại cho môi trường.

3.1.2

Tác động nhiệt độ cao của hỏa hoạn

Tác động của nhiệt độ trên 200 °C lên các kết cấu xây dựng khi hỏa hoạn, trong đó phát sinh ứng suất nhiệt, có thể làm thay đổi các tính chất vật lý – cơ học và đàn hồi – dẻo của vật liệu kết cấu và làm giảm tiết diện làm việc của cấu kiện.

3.1.3

Chất và vật liệu dễ cháy

Chất và vật liệu có khả năng tự bốc cháy, cũng như bốc cháy dưới tác động của nguồn gây cháy và tự cháy sau khi nguồn gây cháy đó bị loại bỏ.

3.1.4

Lớp bê tông bị phá hủy

Lớp bê tông bị hư hại do hỏa hoạn, bị yếu đi, dễ dàng loại bỏ khi gõ bề mặt các kết cấu bê tông cốt thép bằng búa (bằng tay, không sử dụng thiết bị điện).

3.1.5

Độ ổn định của hỗn hợp bê tông

Thời gian sau khi trộn hỗn hợp bê tông, trong thời gian đó các tính chất công nghệ đã đặt được duy trì trong phạm vi dung sai.

Lưu ý: Khi kiểm tra trực quan các lõi được lấy ra từ các kết cấu bị hư hại do hỏa hoạn, người ta phát hiện thấy những thay đổi trong cấu trúc của loại bê tông này.

3.1.6

Vùng cháy

Một phần không gian tiếp giáp với vùng cháy, chứa đầy khói và các sản phẩm phân hủy nhiệt.

3.1.7

Vùng hỏa hoạn

Khu vực lãnh thổ có nguy cơ gây hại đến tính mạng và sức khỏe của công dân, tài sản của cá nhân và pháp nhân do tác động của các yếu tố nguy hiểm của hỏa hoạn và (hoặc) các hành động dập tắt hỏa hoạn và tiến hành công tác cứu hộ khẩn cấp liên quan đến việc dập tắt hỏa hoạn.

3.1.8

Vùng chịu tác động nhiệt

Một phần không gian xung quanh vùng cháy.

Lưu ý: Tác động nhiệt làm thay đổi trạng thái của các chất và vật liệu, chuẩn bị cho chúng để cháy.

3.1.9

Nguồn gây cháy

Phương tiện tác động năng lượng, khởi phát quá trình cháy.

3.1.10

Hỏa hoạn tại chỗ

Hỏa hoạn trong một phòng, phát triển trên diện tích nhỏ hơn nhiều so với diện tích của toàn bộ phòng; đặc điểm của hỏa hoạn này là có vùng phân chia giữa các khí nóng gồm các sản phẩm cháy và không khí lạnh của môi trường xung quanh (có sự chênh lệch đáng kể về các giá trị nhiệt vật lý của các khí cháy).

3.1.11

Hỏa hoạn toàn bộ

Hỏa hoạn trong một phòng, phát triển trên hầu hết toàn bộ diện tích của phòng; đặc điểm của hỏa hoạn này là không có sự khác biệt đáng kể giữa các giá trị nhiệt vật lý cục bộ và giá trị nhiệt vật lý trung bình của các khí nóng gồm các sản phẩm cháy.

3.1.12

Lớp vảy sắt (gỉ sắt)

Oxit nhiệt độ cao, hình thành trên thép thường (trong thời gian gia nhiệt đặc trưng cho hỏa hoạn trung bình) ở nhiệt độ từ 700 °C trở lên.

Lưu ý: Độ dày của lớp vảy sắt tăng theo quy luật parabol: nhiệt độ và thời gian gia nhiệt càng lớn thì lớp vảy càng dày.

3.1.13

Chất oxy hóa

Chất và vật liệu có khả năng phản ứng với các chất dễ cháy, khiến chúng cháy, cũng như làm tăng cường độ cháy.

3.1.14

Nguồn gốc hỏa hoạn

Nơi đầu tiên phát hỏa.

3.1.15

Sự nung thép

Xuất hiện lớp màng cứng và giòn màu xanh xám hoặc đen trên bề mặt các kết cấu thép, các khu vực có cấu trúc xốp sau khi thép chịu tác động dài hạn bởi nhiệt độ khoảng 1400 °C.

3.1.16

Diện tích hỏa hoạn

Diện tích hình chiếu của vùng cháy trên mặt phẳng nằm ngang hoặc thẳng đứng.

3.1.17

Hỏa hoạn

Sự cháy không kiểm soát được, gây thiệt hại về vật chất, nguy hại đến tính mạng và sức khỏe của công dân, lợi ích của xã hội và nhà nước.

3.1.18

Tải trọng hỏa hoạn

Lượng nhiệt có thể giải phóng trong phòng khi có hỏa hoạn.

3.1.19

Thời gian cháy

Thời gian từ khi phát hỏa đến khi cháy hoàn toàn.

3.1.20

Chế độ nhiệt độ tiêu chuẩn

Chế độ thay đổi nhiệt độ theo thời gian khi thử nghiệm khả năng chịu lửa của các kết cấu, được thiết lập theo mối quan hệ tiêu chuẩn giữa nhiệt độ T và thời gian kéo dài hỏa hoạn t: T = 345 lg(8t +1) + T0 , trong đó T0 là nhiệt độ của môi trường xung quanh trước khi xảy ra hỏa hoạn.

3.1.21

Hỏa hoạn hydrocarbon

Sự cháy không kiểm soát được, đặc trưng bởi nhiệt độ tăng mạnh và tốc độ lan truyền nhanh, phát triển theo thời gian và không gian, gây thiệt hại về vật chất, nguy hại đến tính mạng và sức khỏe của công dân, lợi ích của xã hội và nhà nước.

Zalo
0868.393.098